Đến tham dự ngoại khóa, về phía Ban giám hiệu có thầy Nguyễn Lê Duy Khoa - Hiệu phó nhà trường, Cô Đỗ Thị Minh Tâm – Tổ trưởng cùng các thầy cô tổ Ngữ văn. Ngoại khóa dành cho các em yêu thích môn Ngữ văn đến từ các khối 6, 7, 8.
Ngoại khóa “Em yêu văn học Khánh Hòa” là cuộc so tài giữa 3 đội thi: Am Chúa- Thành cổ và Văn Miếu. Mỗi đội gồm 4 thành viên có năng khiếu văn chương của khối 6 và khối 7.
Mở đầu là tiết mục múa “Diên Khánh quê tôi” đến từ các “cô thôn nữ” dễ thương, duyên dáng trong bộ bà ba hồng và chiếc nón lá nghiêng che. Tiếp nối là phần thi tài của 3 đội với các phần thi hấp dẫn: Chào hỏi – Hướng dẫn viên du lịch- Sân khấu hóa tác phẩm văn học địa phương Khánh Hòa.
Trong phần thi Chào hỏi, mỗi đội sẽ có 5 phút giới thiệu tên, thành viên, ý nghĩa và cảm xúc khi đến với buổi ngoại khóa. Có thể kết hợp nhiều hình thức: hò, vè, dân ca 3 miền, hát, múa, tiểu phẩm… Điểm tối đa cho phần thi này là 20 điểm. Các đội đã “thắp lửa” sân khấu với những màn chào hỏi đầy màu sắc: Am Chúa duyên dáng – Thành cổ đằm thắm còn Văn Miếu trẻ trung, năng động.
Kế tiếp là phần thi Hướng dẫn viên du lịch. Các đội sẽ lần lượt giới thiệu một nghề truyền thống hoặc một món ăn đặc trưng của địa phương Diên Khánh. Tối đa cho phần thi này là 50 điểm. Cụ thể: Nội dung: 20 điểm - Hình thức (Giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt…) : 20 điểm - Minh họa (hình ảnh, video clip, âm thanh…) : 10 điểm. Với sự chuẩn bị chu đáo, kĩ càng, các đội đã thật sự “thổi hồn” cho bài thuyết trình tưởng chừng “khô khan” ấy. Đội Văn miếu đã đưa “du khách” ghé thăm làng nghề bánh tráng ở thôn Quang Thạnh, xã Diên Hòa. Cả hội trường chăm chú quan sát và theo dõi kĩ thuật tráng bánh, phơi bánh thoăn thoắt, khéo léo của các cô, các chị trên màn hình chiếu. Và cả hội trường cùng “ồ” lên khi bạn Minh Thư bước xuống sân khấu mời thầy cô và các bạn thưởng thức những chiếc bánh tráng thơm ngon được xếp ngay ngắn trên chiếc rổ tre. Ai ai cũng tấm tắc khen ngợi. Vui nhất là các cổ động viên “xòe tay xin bánh” nhiệt tình. Hấp dẫn không kém là phần thi thuyết trình bánh ướt của đội Thành cổ. Những đĩa bánh được trang trí bắt mắt với chén nước chấm hấp dẫn khiến “thực khách” nhí không rời mắt khỏi màn hình chiếu. Khép lại phần thi thứ 2 là đội Am Chúa. Trong chiếc áo dài xinh xắn, bạn hướng dẫn viên đã đưa “du khách” về thăm Am Chúa và nhận ra được ý nghĩa, vai trò của lễ hội Am Chúa trong đời sống tinh thần của người dẫn Diên Khánh. Ấn tượng hơn khi đội Am Chúa đã tái hiện một đoạn múa hầu đồng ngay trên sâu khấu Phan Chu Trinh. Khán giả chăm chú theo dõi và reo hò cổ vũ. Phần thi đã giúp các bạn học sinh củng cố đặc điểm kiểu văn thuyết minh (văn bản thông tin), rèn luyện kĩ năng hợp tác, thuyết trình và vun đắp tình yêu quê hương, xứ sở.
Chờ đợi nhất là phần thi “Sân khấu hóa tác phẩm văn học địa phương Khánh Hòa.” Mỗi đội sẽ tham gia biểu diễn một tiểu phẩm văn học thuộc môn Giáo dục địa phương 6 (Phân môn Ngữ văn) trong 7 đến 10 phút với số điểm tối đa là 50. (Trang phục: 10 điểm – Nội dung: 20 điểm – Diễn xuất : 20 điểm). Để các đội chủ động tập luyện, ban biên tập đã cho bốc thăm trước tác phẩm văn học. Kết quả: Đội Thành cổ: Sự tích Suối Ồ Ồ - Đội Am Chúa : Sự tích Hòn Chồng - Đội Văn Miếu: Chàng Đực Rựa. Dù thời gian tập luyện không được nhiều vì dành thời gian ôn tập và thi học kì nhưng các diễn viên nhí rất cố gắng học thuộc kịch bản, diễn xuất tự nhiên và hoàn thành vai diễn của mình trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Không những vậy, các đội còn chuẩn bị đạo cụ kĩ càng (cành cây, bình nước, mặt nạ, bó củi, lưới đánh cá, cắt giấy những loài cá, mực tôm…sóng biển, củ sắn, cây rựa, trang phục phù hợp cốt truyện…), thiết kết P.P đẹp mắt với hình ảnh và âm thanh sống động. Khán giả cười ghẹo anh Đực Rựa nhỏ xíu nhưng cười có duyên; hả hê, sảng khoái khi người anh trai tham lam biến thành con đười ươi; xúc động trước tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt trong “Sự tích Hòn Chồng”…
Cuối cùng là phần thi dành cho khán giả. Nội dung thi gồm 2 phần. Phần1: Đoán tên những di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh tương ứng với mỗi hình ảnh trên màn hình. Phải nói các bạn tham gia rất sôi nổi và hào hứng. Mỗi khi MC đọc xong câu hỏi là một rừng cánh tay đồng loạt giơ lên tranh nhau trả lời. Các em đều nhận ra và đoán đúng tên 10 bức ảnh. Phần 2: Điền tên sản vật còn thiếu trong những câu ca dao, tục ngữ. Một lần nữa, khán giả lại trả lời chính xác và ẵm những phần quà hấp dẫn đến từ chương trình.
Phần thi Khán giả kết thúc cũng là lúc MC hồi hộp công bố điểm và vị thứ. Đội Văn Miếu xuất sắc giành giải nhất, đội Am Chúa giải nhì và đội Thành cổ đạt giải ba. Thầy Nguyễn Lê Duy Khoa phấn khởi trao giải cho 3 đội thi.
Ngoại khóa khép lại với tiết mục hát múa sôi động, vui tươi, trẻ trung đến từ các em lớp 6 qua ca khúc “Tết đong đầy”. Cả hội trường cùng vỗ tay và lắc lư theo điệu nhạc. Xuân đã đến thật gần, thật ấm áp với thầy và trò trường Phan Chu Trinh.
Có thể nói, văn học ở Khánh Hòa được hình thành từ quá trình lao động cần cù, sáng tạo kết hợp với trí tuệ của cha ông là biểu hiện cụ thể về một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa sâu sắc. Bên cạnh đó, di tích lịch sử, văn hóa, văn học ở Khánh Hòa là chứng cứ quan trọng, không chỉ giúp các em hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển của quê hương mà còn là biểu tượng rất đỗi tự hào trên quê hương Diên Khánh nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Ngoài ra, buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em có ý thức bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời thấy được trách nhiệm to lớn của mình đối với việc bảo vệ các di tích danh thắng của tỉnh Khánh Hòa. Thầy cô luôn mong muốn các em yêu văn học địa phương của chúng ta và học tốt môn Ngữ văn.
Xin cám ơn ban giám hiệu, cám ơn sự hỗ trợ chung sức của tập thể giáo viên tổ Ngữ văn và các em học sinh đã nhiệt tình chuẩn bị và cổ vũ cho chương trình. Trước thềm năm mới Quý Mão đang đến gần, kính chúc quý thầy cô giáo cùng các em học sinh dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin chào thân ái và hẹn gặp lại.