Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía Đông đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc – đảo Gạc Ma.
Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng từ tháng 3/2015 và hoàn thành vào 7/2017, gồm 05 khu vực: Quảng trường lối vào; Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma; Khu trung bày ngầm; Mộ gió và Quảng trường Hòa bình; Con đường hoài niệm.
Từ tượng đài nhìn xuống Khu trưng bày ngầm là hình ảnh vòng tròn bất tử thiêng liêng; 64 đóa hoa tượng trưng cho 64 người con bất tử cùng ôm lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước. Khu trưng bày ngầm được xây dựng dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm, bao gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; Chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc.
Mộ gió, là khu vực tâm linh nhất của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ hi sinh với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Bởi mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây nên được gọi là Mộ gió. Đây là chốn đi về của những người con hy sinh trên biển, đảo để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cũng là nơi những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những dòng tên được khắc trên bia tưởng niệm thấp thoáng bên những cành hoa sứ sum xuê nở bông trắng muốt, mỗi khi gió thổi, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn cùng hương hoa sứ phảng phất càng tăng thêm không khí xúc động, linh thiêng.
Quảng trường Hòa bình, là không gian cuối của “Hành trình khát vọng”, với hình ảnh chim câu tung cánh bay về hướng biển. Đó là thông điệp gửi đến toàn thế giới về khát vọng “Hòa bình” của dân tộc Việt Nam. Trước mặt quảng trường Hòa Bình là công viên sinh thái, có một con đường đưa người tham quan ra biển và cũng là con đường dẫn các anh linh từ biển trở về. Công viên sinh thái là nơi du khách nhìn về biển – nơi các anh còn ở lại, ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chuyến trải nghiệm đã bồi đắp cho tâm hồn các em lòng yêu nước nồng nàn, nó đã răn dạy cho bao thế hệ hôm nay, ngày mai và mai sau nữa phải biết trân quý lịch sử và sống sao cho đúng với trách nhiệm của một công dân có ích cho xã hội.