Học là việc học sinh tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo… khi học chúng ta phải tìm tòi, suy nghĩ thêm để hiểu rõ và mở rộng các kiến thức đã thu thập được. Như thế lời dạy của Lê-nin có ý nghĩa là khuyên chúng ta phải luôn học hỏi không ngừng, học hỏi suốt đời chẳng những trong nhà trường và cả ngoài xã hội… Đó là một chân lí, một sự thật hiển nhiên, rõ ràng từ trước đến nay bởi vì kiến thức của nhân loại bao la mênh mông như biển cả còn sự hiểu biết của mỗi người trong chúng ta chỉ như giọt nước. Hơn thế nữa, mỗi một giây phút trôi qua thì hành tinh của chúng ta lại có một phát minh mới ra đời, vì thế không bao giờ chúng ta học được hết những kiến thức đó và cũng vì thế mà chúng ta phải luôn luôn học tập không ngừng. Làm sao chúng ta có thể quên được tấm gương của nhà bác học Lê Quý Đôn của đất nước Việt Nam hoặc các nhà Bác học Newtơn, Ampere… trên thế giới đã suốt đời học hỏi và cống hiến nhiều kiến thức quý báo cho nhân loại. Ngoài ra, lời nhận định này cũng đúng vì nó có giá trị về mặt giáo dục con người mới, giáo dục lý tưởng sống cao quý. Cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy các danh nhân trên thế giới cũng từng có những suy nghĩ tương tự như câu nói nổi tiếng của Darwin: “Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học” hay “Đường đời là chiếc thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối cùng.” (Kalinin). Hoặc câu của Bác Hồ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Chính câu nói của các nhà bác học càng làm tăng thêm giá trị chân lí của lời nhận định của Lê-nin.
Đã từ bao thế kỉ nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, học tập là một quyền lợi chính đáng của mỗi con người được sinh ra, lớn lên và tồn tại trên mặt đất này. Nhất là trong thế kỉ 21, thế kỉ của tri thức, thì sự học chẳng những là quyền lợi của mỗi con người để họ sinh tồn mà còn là trách nhiệm của họ với sự phát triển của một quốc gia, thế nhưng dường như ở Việt Nam và cũng như trên thế giới, nhiều người vẫn không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu "Học tập là một cuốn vở không có trang cuối" để thoái thác trách nhiệm đó.
Học tập là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn như nhìn nhận, tiếp thu, vận dụng, sáng tạo, tìm tòi. Nhằm mục đích là tích lũy tri thức về thiên nhiên, xã hội, con người, tôn giáo, tâm linh. Sự học không chỉ hạn hẹp trong những trang sách, gò bó trong bốn bức tường lớp học mà nó còn mở rộng ra cả cuộc sống, cả thế giới bên ngoài. Mỗi người cần học tập, phải học tập để tồn tại, phát triển trong xã hội mà họ đang sống, khi bé thơ thì ta phải học ăn, học nói, học đi và khi lớn lên, ta phải học kiến thức, học lối sống hay, học nhân cách đẹp. Không ai có thể tồn tại nếu từ bỏ sự học.Ta nói "Học tập là một cuốn vở không có trang cuối" tức là ta đã khẳng định rằng sự học không hề có một giới hạn nào để cho ta đạt đến cả. Ta có thể ví sự học như một con đường không có đích đến mà ta chỉ có thể cho người khác biết ta đang ở đâu trên con đường này qua những dấu chân mà ta đã để lại.
Do đó, học hỏi suốt đời là một việc phải làm và cần làm. Ý nghĩa trọn vẹn, sâu xa của câu nói cũng là muốn chúng ta thực hiện được điều đó. Nhưng làm như thế vẫn chưa đủ. Để việc học hỏi đạt kết quả thật tốt, chúng ta phải xác định rõ động cơ học tập là vì tổ quốc, vì nhân dân, học để trở thành người lao động mới có khả năng trình độ để phục vụ đất nước, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh mục đích học tập, chúng ta còn phải có tinh thần thái độ học tập đúng đắn, học đi đôi với hành, học ở nhà trường, học ngoài xã hội…
Ngày nay, mỗi con người đều có cách học riêng của mình. Nhiều bạn ở trường ta rất chăm chỉ cần cù và giành được những thành công lớn. Đã có biết bao bạn học sinh đạt được các thành tích cao trong học tập, giúp chính bản thân các học sinh đó có một tương lai tốt đẹp mà còn giúp cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh.
Tuy nhiên vẫn còn không ít những bạn học sinh mải chơi quên học, hoặc nếu có cũng chỉ là học vẹt, học đối phó. Đó quả là những hành động hết sức sai lầm. Các em phải hiểu rằng hàng ngày trên các vùng sa mạc nắng rát, trong rừng thẳm, nơi núi cao, triền dốc hay những nơi tuyết phủ lạnh giá rải rác trên khắp hoàn cầu này, các thầy cô và các em nhỏ vẫn đến trường để tham dự vào cái phong trào học tập to lớn kia, nếu đội quân ấy, phong trào ấy mà dừng lại thì nhân loại sẽ chìm trong tội ác và man rợ.
Các bạn hãy đến với các em nhỏ lang thang, hãy nhìn những khuôn mặt nhỏ bé, những đôi mắt thơ ngây, luôn ao ước được một lần cắp sách tới trường như bao bạn nhỏ khác. Chúng ta được may mắn hơn các bạn nhỏ ấy, được cha mẹ yêu thương, được thầy cô tận tình dạy dỗ vậy mà chúng ta lại không học, lại coi thường việc học. Như vậy chẳng phải đáng trách sao?. Lúc ấu thơ ngoài bản năng tự nhiên là khóc và ăn thì mọi thao tác còn lại đều trải qua một quá trình học tập.
Phải trải qua một sự khổ công để lớn lên cắp sách đến trường, thầy cô dạy ta biết đọc biết viết, học những thao tác ngồi cầm bút viết, lớn hơn nữa thầy cô lại dạy cho ta kiến thức theo từng cấp học, phù hợp với khả năng nhận thức, để sau này có thể vận dụng vào cuốc sống công việc. Tất cả những điều đó đều giúp chúng ta trở thành con ngoan trò giỏi. Học là để trưởng thành, để hòa nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với tiến bộ khoa học.
Tương lai là ở trong tay chúng ta, nó sáng sủa hay mờ mịt là phụ thuộc vào việc học tập của mỗi con người. Chúng ta đừng để phí hoài những gì học được ở ghế nhà trường bởi sự học như con thuyền đi nước ngược, không tiến ắt phải lùi. Nếu mải chơi, chúng ta sẽ để lỡ một chuyến tàu đi đến tương lai, chuyến tàu đó rất đặc biệt vì người lái tàu là ta, hành khách cũng là ta, nó được chèo lái bởi chính đôi bàn tay của chúng ta. Kiến thức trong trường chúng ta học là nền tảng cơ bản để ta làm việc, nhưng chưa đủ với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, nên chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người là một yêu cầu mà ngành giáo dục đang thực hiện. Bởi nói đến việc học tập là nói đến sự tiến bộ, trưởng thành của con người, nếu không muốn nói là quyết định đến số phận, tương lai, hạnh phúc của mỗi người và sự phát triển văn minh, phồn vinh của xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những dòng chảy chính của thời đại, bất cứ quốc gia nào muốn không bị tụt hậu thì nhất thiết phải nhanh chóng tiếp cận, bắt kịp những thành tựu tiến bộ của khoa học-công nghệ để thúc đẩy đất nước phát triển. Với ý nghĩa đó, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 ở nước ta đã chọn chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm khích lệ và nhắc nhớ mọi người dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại 4.0.
- Hưởng ứng các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học, và hoạt động thư viện; xây dựng, thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở, hữu ích (sách, báo, bài giảng điện tử...), tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giáo viên, học sinh, tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc, nghiên cứu khoa học..., góp phần xây dựng cộng đồng học tập trực tuyến ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng.
- Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh, cán bộ, viên chức.
- Tổ chức các diễn đàn, cuộc thi về chủ đề công dân học tập, công dân toàn cầu giúp học sinh và người dân tìm hiểu về các kỹ năng và năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số hóa và toàn cầu hoá.
- Khuyến khích các thư viện lớp học, thư viện nhà trường, thư viện của trung tâm học tập cộng đồng trong cùng một khu vực cộng đồng dân cư, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực...; tăng cường các hoạt động khuyến đọc, triển khai các mô hình đọc sách, chia sẻ tri thức liên thế hệ, luân chuyển sách, báo, tài liệu giấy và tài liệu số với nhau.
- Tiếp tục phát động phong trào xây dựng “tủ sách lớp học” trong các cơ sở giáo dục; xây dựng các thư viện, không gian đọc tại các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ quan, công sở, đơn vị; đa dạng hoá các hoạt động giáo dục, học tập tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ... góp phần nuôi dưỡng thói quen và nhu cầu học tập thường xuyên cho người dân, từng bước xây dựng văn hoá học tập suốt đời cho các cộng đồng dân cư trong khu vực.
Trên đây là những chia sẻ về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời – Vai trò của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Chân thành cảm ơn!