Có lẽ không ai dám nhận mình là người hiểu biết và cũng không ai có thể biết hết mọi điều. Những điều chúng ta biết chỉ là tương đối và những điều trước đây ta cho là đúng thì đến một ngày nào đó do sự dịch chuyển của các hệ giá trị trong xã hội những chân lí có thể thành nghịch lí và những nghịch lí lại trở thành những cái có lí trong xã hội. Học chính là để biết cách làm sao cho những kiến thức ta đã thu nhận được đạt hiệu quả nhất định, phục vụ cho cuộc sống của mình và đáp ứng nhu cầu xã hội. Tục ngữ có câu “Trăm hay không bằng tay quen” chính là nhấn mạnh đến khả năng lao động thực tiễn của chúng ta trong cuộc sống. Những điều “hay” điều “biết” có nguy cơ trở thành vô dụng nếu chúng ta không biết cách biến những tri thức sách vở thành những kinh nghiệm quý báu của bản thân mình. Và như vậy, mỗi chúng ta dù ở bất cứ một ngành nghề nào; dù là người lao động bình thường, người công nhân, nhà tri thức…đều phải học tập suốt đời mới không khỏi bị lạc hậu trước những biến đổi của đời sống.
Con người không thể tách mình ra khỏi xã hội loài người, cần phải học cách chung sống hoà bình, hữu nghị và nhân ái. Muốn đạt được mục tiêu chung của xã hội chúng ta phải không ngừng học hỏi lẫn nhau. Học tập là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, nói rộng ra là của toàn nhân loại. Con người ta tự mình chăm lo việc học cho mình, tự mình nâng cao vốn hiểu biết, trình độ văn hoá cho mình. Học tập là việc làm của cá nhân, không ai có thể thay thế bản thân người học trong quá trình lĩnh hội, tuy nhiên việc học thuộc mục đích chung của xã hội. Do đó việc học phải vì sự phát triển chung của cộng đồng. Mỗi người đều phải học để chung sống tốt hơn với mọi người. Biết cách chung sống, các quốc gia sẽ giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề toàn cầu như bệnh dịch, môi trường, chiến tranh, tệ nạn xã hội…Thời nay chúng ta cần học cách thích nghi nhanh chóng với các điều kiện bên ngoài. Học để chung sống trong xu thế vận động chung của thế giới, tránh được tụt hậu, đói nghèo…
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng có nhu cầu khẳng định cái “tôi” của mình. Từ cái tôi nhỏ bé con người đang tiến gần đến cái cộng đồng rộng lớn, nơi chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh của bản thân. Học tập suốt đời chính là để chung sống là nhu cầu thiết yếu đối với chúng ta không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của dân tộc đó, quốc gia đó. Với ý nghĩa đó, cô mong muốn và hy vọng tất cả các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục thể hiện qua chương trình đào tạo của trường, của lớp. Ngoài việc học đủ chương trình đào tạo, chúng ta cần tránh việc học lệch, học để theo đòi bạn bè, học để có bằng cấp…Cần xác định học là việc cả đời và chúng ta phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Học ở bất cứ nơi đâu, học ở mọi điều kiện, song cũng nên tránh kiểu học ôm đồm, cái gì cũng học. Học cần có phương pháp, có mục đích cụ thể, rõ ràng và phải có niềm đam mê mới mong đạt được mục đích của mình.
Học tập mang lại cho con người những giá trị bền vững, làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Có một câu danh ngôn nói rằng “Tất cả đều nhàm chán, trừ sự hiểu biết”, khao khát tri thức của con người là vô hạn và giáo dục đào tạo ở nước ta được coi là “quốc sách hàng đầu”. Khi xác định được mục đích học tập, chúng ta hãy không ngừng phấn đấu để đạt được ước mơ của mình. Với cương vị là Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin phát động thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường cùng nhau thi đua quyết tâm học tập suốt đời:
- Học để trở thành người công dân tốt
- Học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả
- Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc
- Học để góp phần phát triển địa phương, đất nước và đóng góp cho nhân loại.
Chúc các thầy cô giáo và các em mạnh khoẻ, thành công trong sự nghiệp của mình./.