Đăng Nhập
  
badinh
  
 Lượt truy cập
  
NGHỀ DẠY HỌC - NGHỀ CAO QUÍ NHẤT

     Ngày 20/11 lại trở về với chúng ta nói riêng và với toàn dân tộc Việt Nam nói chung. Trong không khí trang trọng và đầy xúc động của buổi lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, chúng ta suy nghĩ gì đây về ý nghĩa to lớn của ngày truyền thống này, về hình ảnh của người thầy trong xã hội? Trước hết, toàn thể các anh chị em đồng nghiệp, toàn thể học sinh trường Phan Chu Trinh kính cẩn dâng lên các thầy cô đã từng dạy dỗ chúng ta lòng biết ơn sâu sắc nhất. Bởi một điều rất dễ hiểu, trước khi trở thành những người thầy, người cô, chúng ta cũng đã từng là những học trò được sự dìu dắt của bao thế hệ thầy cô đi trước.

     Ca dao có câu:


“Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

     Chỉ đơn giản hai tiếng “chữ thầy” nhưng sao mà to lớn, mà nặng ân tình. Công ơn ấy đã được sánh ngang công ơn trời biển của mẹ cha. Hôm nay đây, cho đến giờ phút này, có bao giờ ta tự hỏi: Chúng ta trưởng thành nên người là nhờ đâu? Hình hài này, chữ nghĩa này chúng ta có được là nhờ đâu? Thật ra, tự ngàn xưa, ông cha ta đã trả lời câu hỏi ấy. “Nghĩ sao cho bõ” chẳng phải là câu trả lời, là suy nghĩ nghiêm túc về công ơn của ngừơi thầy đó sao? Chính thầy cô là người dạy cho chúng ta cái chữ, song không phải là “nhất tự” mà là vô vàn chữ nghĩa, tri thức, điều hay ý đẹp. Biết bao thế hệ người thầy đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vinh quang này. Chỉ hai chữ “lớn khôn”, nhưng để được điều ấy đã phải có biết bao công sức của người thầy, người cô. Bởi lẽ muốn trở thành người hữu ích, ai cũng phải học, “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Học chữ phải có thầy mà học nghề cũng phải nhờ thầy. Cả việc “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để ứng xử với đời, ngay từ thuở lọt lòng cũng phải được người thầy chỉ bảo. Tục ngữ cũng đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Công ơn người thầy làm sao chúng ta kể xiết. Xưa chưa có ngày 20/11, song lời dạy “Tôn sư trọng đạo” chẳng phải là truyền thống vô cùng cao đẹp về tình cảm thầy trò đó sao? 
    

 

     Dân tộc ta vốn là một dân tộc hiếu học, vượt lên trên cuộc sống vất vả chân lấm tay bùn, vượt lên những tháng ngày nếm mật nằm gai chống lai kẻ thù, người dân Việt Nam quí trọng chữ nghĩa mà ra sức trau dồi. Tự hào về truyền thống này bao nhiêu, chúng ta càng tự hào về những người thầy, những tấm gương sáng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người bấy nhiêu. Đời nhà Trần, thầy Chu Văn An được biết đến là vị quan thanh liêm, chính trực lại đồng thời là một người thầy giáo lỗi lạc, người thầy đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam. Thầy không cầu danh lợi, địa vị mà luôn giữ mình trong sạch, mở trường dạy học cho con em nhân dân biết bao điều nhân nghĩa. Thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm được người đời gọi là Tuyết Giang Phu Tử, một danh xưng dành cho bậc đại sư đem chữ nghĩa thánh hiền phụng sự cho đời. Đó là một người thầy đáng kính của nền giáo dục Việt Nam. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dù số phận khắc nghiệt nhưng thầy vẫn ngẩng cao đầu sống hữu ích cho đời, cho xã hội đến hơi thở cuối cùng. Thầy vẫn giữ được phẩm chất cao cả sáng ngời của mình cho đến hơi thở cuối cùng trong sự yêu thương và kính trọng của người dân Việt Nam. Những bậc thầy lỗi lạc ấy đã làm vẻ vang cho đất nước, đáng cho ta nghiêng mình kính phục và tôn ngưỡng. Tiếp nối cha ông, thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, là một tấm gương sáng về người thầy vĩ đại. Người thầy ấy đã vun đắp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục: “Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cùng thế hệ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có biết bao nhà giáo đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng: thầy Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến. Những người thầy lỗi lạc ấy dù đã đi xa nhưng nhân cách, lí tưởng vẫn còn tỏa sáng ngàn đời sau. Đó là hình ảnh của những người thầy đã trở thành niềm tự hào cho cả dân tộc Việt Nam.
     Song, không phải chỉ có những tên tuổi được lưu danh sử sách như thế, mà chung quanh ta, trong cuộc sống đời thường còn có biết bao hình ảnh đẹp về người thầy, người cô. Họ lặng lẽ, âm thầm gánh vác trách nhiệm vẻ vang của một người kĩ sư tâm hồn. Nhận sự nghiệp trăm năm trồng người, mỗi người thầy có một hoàn cảnh, lí do, sự trang bị khác nhau. Nếu như Đuy-sen, người thầy đầu tiên trong truyện của nhà văn Ai-ma- tốp đến với công việc giảng dạy của mình với một hành trang hết sức khiêm tốn. Đó là “người thanh niên không được bao chữ nghĩa, khi đọc phải đánh vần chật vật, trong tay không có lấy một quyển sách giáo khoa, ngay cả đến vỡ lòng cũng không có”, và không hề có một chút khái niệm cỏn con nào về chương trình về phương pháp giảng dạy. Nói cho đúng hơn, thầy Đuy sen không thể ngờ rằng trên đời này có những thứ đó. Vậy mà thầy đã là một người thầy đầu tiên vun trồng những ước mơ cho các em nhỏ vốn là những đứa trẻ nghèo, thất học. Một viện sĩ An- tư- nai, cô bé học trò nghèo nàn ngày nào, chẳng phải là kết quả của những ươm trồng và ước mơ của thầy đó sao?
     Tâm huyết và tình yêu thương học trò của người thầy có ý nghĩa thật sâu sắc. Còn có biết bao câu chuyện như thế. Trong năm tháng sau chiến tranh, đất nước ta với những vết thương phải hàn gắn, người giáo viên với nhiệm vụ giảng dạy cũng gặp biết bao gian khổ. Chỉ lắng nghe câu chuyện ngắn ngủi của thầy cô trong giờ giải lao, có lẽ chúng ta cũng hiểu được phần nào những khó khăn ấy. Một thầy nói rằng: “Từ sướng có vần ương. Vì thế mà nghề nào có vần ương đều sướng cả. Này nhé; vương, tướng, nội thương, viễn dương…ở thời nào cũng sướng”. Một thầy lại nói : “Thế thì chúng ta, cả đời gắn bó với trường, cũng ương đấy nhưng có sướng đâu?” Gian khổ là thế, nhưng vượt lên trên những vất vả đời thường , người giáo viên luôn đem hết sức lực và tâm trí để giảng dạy cho học sinh. Lặng lẽ âm thầm, miệt mài trăn trở cùng trang giáo án, “nghề giáo như nghề chèo đò, mỗi năm một chuyến đò đưa khách sang sông”, nhưng lại cao cả vô cùng. Ngoài những tri thức truyền thụ cho học sinh, thầy cô giáo còn giành cho học sinh tình yêu thương của người làm cha, làm mẹ. Có khi dám hi sinh cả bản thân mình vì học sinh. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của bao trái tim học trò khi viết về cô giáo của mình, một cô giáo đã trở thành liệt sĩ. Bởi lẽ cô là một chiến sĩ trong chiến trường giáo dục của mình:

“Cô giáo ấy rất trẻ
Dạy ở trường ven sông
Chăm sóc trò cặn kẽ
Thương con và yêu chồng

Một mùa mưa nước lũ
Cuốn trôi đi mái trường
Ôi dòng nước hung dữ
Gieo bao nhiêu tang thương

Con mình, cô đã vớt,
Còn học trò giữa dòng
Nước mắt không cầm được
Cô lại lao xuống sông

Sức mảnh mai nhường ấy
Vớt thêm được vài trò
Dòng sông dâng nước xoáy
Con sông nhấn chìm cô

Dòng lệ sôi cạn khô
Cả một trường nức nở
Cả làng chiêm tiễn cô
Đến nghĩa trang liệt sĩ…

Sinh thời cô giáo trẻ
Chẳng mong bắc cầu kiều
Một căn phòng nhỏ bé
Bằng khen không treo nhiều”

     Có lẽ những vần thơ mộc mạc đọc lên, chúng ta thấy không có sự trau chuốt của ngôn từ, nhưng đã đi vào lòng người bởi đó là tất cả những yêu thương của người cô giành cho học trò của mình cũng như sự kính yêu mà trò đã kính dâng lên cho cô giáo. Còn có tấm lòng nào cao cả hơn thế nữa.

    

      Rồi thời gian sẽ trôi qua thật nhanh. Tuổi trẻ ngày nào của thầy cô giờ đây trở thành mái tóc điểm sương, nhưng trên khuôn mặt ấy vẫn sáng rực lên một niềm tin. Cây sẽ ra hoa kết trái, các em sẽ là hương thơm mật ngọt cho đời. Thầy cô đã chấp cánh ước mơ cho em bước vào đời. Tiễn đưa lớp học sinh cũ ra đi, đón nhận học sinh mới vào trường, có thể thầy cô khó có thể nhớ hết những đứa học trò của mình, nhưng đối với chúng ta, những người đã từng là học trò như thầy cô, những người đang được sự dìu dắt của thầy cô như các em, mãi mãi trong trái tim của chúng ta hình ảnh của ngưòi thầy sẽ là những gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời

     Ba mươi năm trôi qua, thêm một lần kỉ niệm ngày Nhà giáo 20/11, chúng ta thật sự vinh dự và tự hào về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Thầy cô tự hào vì đã và đang được kế tục sự nghiệp trăm năm trồng người, một nhiệm vụ vẻ vang nhưng rất đổi âm thầm lặng lẽ. Học sinh tự hào vì đang được sự dìu dắt của thầy cô, những người đang dạy dỗ các em bằng tình thương của người cha, người mẹ, người anh, người chị, mong muốn các em trưởng thành nên người. Biết bao cảm xúc và ân tình, không bút viết nào nói hết, chỉ biết ghi lại nơi đây tấm lòng tri ân của bao thế hệ học sinh trước công lao vô bờ bến của Người Thầy:

Em viết tặng cô những vần thơ nho nhỏ
Ngoài trời lành lạnh chút gió heo mây
Bên ánh đèn khuya bao đêm thức trắng
Giáo án sang trang, kiến thức cho em vào đời
Sợi bạc điểm sương, những giọt mật hương thơm
Ánh mắt vui tươi dõi theo bến bờ em tới.
Dù thời gian dòng đời có xuôi ngược
Bài học ngày xưa em nhớ mãi trong tim.

 
 Liên kết web
 Hình ảnh
 CLB sáng tác
151 Lý Tự Trọng, Diên Khánh
Tel: 058-6259077 / 3580336 / 2214346.
Email: c2pctrinh.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung:....................................
Thiết kế bởi CenIT