Đăng Nhập
  
badinh
  
 Lượt truy cập
  
NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

     Chúng ta đang sống những ngày của tháng 11 thật ý nghĩa đối với các nhà giáo. Ở từng ngôi trường trên đất nước, từ phố thị đến nông thôn xa xôi, từ miền xuôi đến những bản làng miền ngược, mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh đều đang sôi nổi với nhiều phong trào, hoạt động thi đua dạy tốt – học tốt để chào mừng ngày “lễ hội” của các thầy cô, của những người làm công tác giáo dục.

     Cách đây trên 1/3 thế kỉ, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo họp tại Vacsava Ba Lan vào tháng 8 / 1957 đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo. Lần đầu tiên ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đã được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 20 tháng 11 năm 1958 ở miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ đã ra quyết định số 167/ HĐBT vào ngày 28/09/1982 quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó đến nay đã 30 năm trôi qua– 30 năm làm nên một truyền thống đẹp đẽ- ngày 20 tháng 11 thực sự là một ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho lớp lớp thế hệ học trò nối tiếp nhau.
     Dường như đã thành lệ, chẳng ai bảo ai, thế mà cứ đến ngày 20. 11 là phố phường lại rực rỡ sắc hoa. Đường phố nhộn nhịp hơn bởi những em học trò ríu rít cùng nhau đến thăm thầy cô giáo. Sân trường tưng bừng cờ hoa trong buổi lễ chào mừng ngày hội các Nhà giáo. Trong ngày này, mỗi người đau đáu một nỗi niềm khác nhau. Người học trò cũ lại bồi hồi nhớ đến bao kỉ niệm của một thời áo trắng non dại, thương cho một người thầy người cô đáng kính. Người thầy về hưu lại bùi ngùi nghĩ về một đời làm nghề dạy học, lặng lẽ suy tư những gì còn mất của thế thái nhân tình. Còn những thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục đang miệt mài với sự nghiệp trồng người lại day dứt với bao trăn trở trước thực trạng giáo dục và trách nhiệm với xã hội.
     Bao nhiêu năm trôi qua, lời khẳng định của Bác Hồ vẫn còn thúc giục lòng ta: “ Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang” . Ai trong chúng ta cũng tự hào về nghề dạy học. Thầy cô giáo chúng ta là những người đang gieo chữ cho thế hệ tương lai của đất nước. Nghĩ như vậy mà thấy vai mình thêm nặng trĩu những lo âu, day dứt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rất hay rằng: “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người. Họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.” Xã hội càng tin tưởng, càng ngợi ca bao nhiêu thì những người thầy, người cô phải nỗ lực bấy nhiêu. Là con người, ai cũng có những phút giây đời thường nhưng đối với người giáo viên ở mọi lúc mọi nơi đều phải ý thức được mình là nhà sư phạm. Bước vào lớp học, đứng trên bục giảng, trước ánh mắt của học trò, chúng ta phải thực sự là những kĩ sư tâm hồn, là tấm gương sáng cho các em noi theo. Đã, đang và sẽ có biết bao thế hệ trẻ muốn bước tiếp con đường của thầy cô giáo mình vì họ thấm thía về tình nghĩa thầy trò, về sức mạnh thanh lọc và cảm hoá của nghề bảng đen, phấn trắng:
     Phấn trắng là phấn trắng thôi
     Dưới tay cô, hoá thành lời quê hương
     Bảng đen là tấm gỗ vuông
     Bên thầy, bảng hoá thành đường em đi.
     Bằng tấm lòng yêu thương, bàn tay dìu dắt, lời dạy dỗ tận tình của người thầy, nhiều ước mơ đã được chắp cánh, nhiều học sinh đỗ đạt thành tài. Với chúng ta, còn gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy học trò của mình phương trưởng, thành đạt.
Cái nhìn của xã hội rất nghiêm khắc đối với những người làm nghề dạy học. Điều đó khiến chúng ta đã tự khe khắt với chính mình. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nhiều, lòng yêu nghề sẽ đậm sâu hơn nhiều khi những người thầy, người cô được nhìn bằng ánh mắt tôn trọng, sẻ chia, được đối xử bằng tấm lòng thông cảm, yêu thương.
     Tục ngữ có câu “Kính thầy mới được làm thầy”. Đó là lời khuyên cho các em học sinh. Đa số các em đã nhận thức rõ điều đó thể hiện qua những thành tích gặt hái được trong học tập. Đã có nhiều học sinh trường ta đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Huyện trong kì thi vừa qua. Rất nhiều em được chọn bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp Tỉnh trong thời gian tới. Các em là niềm tự hào của thầy cô trường Phan Chu Trinh. Nhưng vẫn còn đây đó một số em chưa chăm học, ngỗ nghịch khiến thầy cô phải buồn lòng, gây ảnh hưởng xấu cho nề nếp của trường. Các em hãy nhìn lại mình và hãy thay đổi. Hãy cố gắng học hành chăm chỉ để đền đáp ơn thầy và báo hiếu cha mẹ. Thầy cô luôn mong các em thành người hữu ích, sống lương thiện. Một đời đem hết tâm sức của mình cho nghề giáo, tất cả thầy cô chỉ mong ước thế thôi. Đừng đợi đến ngày 20-11 mới nói lời xin lỗi, mới thể hiện lòng biết ơn. Món quà ý nghĩa nhất từ chính các em dâng tặng thầy cô là thái độ lễ phép, ngoan ngoãn, là những giờ học xếp loại A, những bông hoa điểm 9 điểm 10.
     Sân trường những ngày tháng 11 dường như thoáng đãng hơn, rộn ràng hơn thì phải. Các thầy cô giáo đang nỗ lực với những tiết dạy Hội thi Giáo viên Giỏi trường. Các em học sinh lớp 6 đang mê say tập luyện những tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho Hoạt động Ngoại khóa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Bận rộn mà đầy ý nghĩa! Chúc các thầy cô giáo thật vui khỏe, vượt qua những khó khăn của cuộc sống, mãi yêu nghề mến trẻ, nhiệt tình cống hiến tài lực cho sự nghiệp giaó dục.
     Ngày 20 tháng 11 đang đến gần. Bao tâm tư, nỗi niềm chất chứa trong lòng nhà giáo.
     Hoa sữa lặng lẽ thả hương nồng nàn….sắc trời bàng bạc… hồn người lâng lâng…

                                                                                           Tháng 11- 2012

 
 Liên kết web
 Hình ảnh
 CLB sáng tác
151 Lý Tự Trọng, Diên Khánh
Tel: 058-6259077 / 3580336 / 2214346.
Email: c2pctrinh.dk@khanhhoa.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung:....................................
Thiết kế bởi CenIT